Tin tức Nghiên cứu phát triển
Tác động xã hội của quá trình phát triển dịch vụ TTDĐ tại Việt Nam

 

Việt Nam một trong những quốc gia đạt thành công lớn trong phát triển dịch vụ thông tin di động nhờ khả năng “đi tắt, đón đầu” trong áp dụng các thành tựu công nghệ mới.. Sự thích nghi của đất nước với các dịch vụ viễn thông diễn ra rất nhanh và kể từ năm 1993 khi Công ty Thông tin Di động (VMS-MobiFone) được thành lập thì chiếc điện thoại di động đã nhanh chóng trở thành một vật dụng không thể thiếu đối với mỗi người dân. Trong quá trình phát triển dịch vụ viễn thông thì các tác động xã hội cũng nhanh chóng trở thành một chủ đề rất đáng quan tâm.

  • Thực trạng phát triển thị trường Người Việt Nam lần đầu tiên được tiếp cận tới các dịch vụ thông tin di động (DVTTDĐ) là vào năm 1993 khi VMS-MobiFone được thành lập trực thuộc VNPT. Đây là doanh nghiệp đầu tiên khai thác DVTTDĐ công nghệ GSM, tạo bước ngoặt cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ viễn thông những năm về sau. Thực tế cho thấy sau quá trình 17 năm phát triển, thị trường DVTTDĐ của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển rất ấn tượng với hàng loạt các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của thế giới tham gia đầu tư dưới dạng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Sau MobiFone, hàng loạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác liên tiếp ra đời như VinaPhone, S-Fone, Viettel…vv và nhanh chóng đem đến cho người dân những dịch vụ, những tiện ích mới nhất, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo ICTnews - Tổng số thuê bao điện thoại di động phát triển mới trong 7 tháng đầu năm 2010 trong nước ước đạt 28,9 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao di động tại Việt Nam lên tới con số 140,3 triệu.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 7 tháng đầu năm 2010 trong nước đạt 29,6 triệu thuê bao, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó bao gồm 729,3 nghìn thuê bao cố định (giảm 70,3%) và 28,9 triệu thuê bao di động (tăng 20,1%).

Cùng đó, số thuê bao điện thoại cả nước đến cuối tháng 7/2010 ước tính đạt 157,8 triệu thuê bao, trong đó bao gồm 17,5 triệu thuê bao cố định và 140,3 triệu thuê bao di động. Trong đó, riêng thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến cuối tháng 7/2010 đạt 82,8 triệu thuê bao, tăng 40,7% so với cùng thời điểm năm 2009, trong đó bao gồm 11,6 triệu thuê bao cố định và 71,2 triệu thuê bao di động.

 

  • Tác dộng xã hội. Quá trình phát triển DVTTDĐ tại Việt Nam thời gian qua đã tạo ra nhiều tác động xã hội rất đáng chú ý với nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực. Trước hết, ở góc độ quản lý Nhà nước thì cơ quan quản lý đã liên tục được nâng cấp: ban đầu là  Tổng cục Bưu điện với đầy đủ cả chức năng quản lý lẫn chức năng kinh doanh. Đến nay, các chức năng này đã được tách biệt hoàn toàn với sự ra đời của Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước và Tập đoàn VNPT với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Cũng trong quá trình chuyển đổi này, Luật Viễn thông được xây dựng thay thế cho Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông để có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu mới của thị trường viễn thông cạnh tranh và các cam kết quốc tế sau khi Việt nam gia nhập WTO. Đối với người sử dụng, các tác động của DVTTDĐ thật đáng kinh ngạc. DVTTDĐ không chỉ giúp chúng ta “thu hẹp khoảng cách” và đem lại “cuộc sống đích thực”: nó đã tạo ra một bước ngoặt về nhận thức và đem lại sự tự tin, sự chủ động cho mỗi cá nhân trong công việc. Các hành vi xã hội liên quan tới chiếc điện thoại di động có nhiều thay đổi mạnh theo thời gian. Vào thời kỳ đầu khi chỉ có hai mạng MobiFone và VinaPhone hoạt động với phí sử dụng cao chót vót (250 ngàn đồng thuê bao/tháng, mỗi cuộc gọi dù chỉ 1 giây cũng làm tròn thành 1 phút với giá 1800 đ/phút) thì đã xuất hiện một hành vi mà trước đó chưa hề tồn tại: “nháy máy” – khi anh đến chỗ hẹn, cứ “nháy máy” một cái để tôi biết là anh đã đến. Thời kỳ cước phí đắt đỏ này khiến cho hình ảnh người sử dụng DVTTDĐ trở nên rất “thời thượng” trong mắt mọi người. Vào khoảng năm 1998, một bức tranh biếm hoạ trên báo đã vẽ hình một bà hàng đồng nát, tay cầm chiếc điện thoại di động gọi “này, đôi dép cũ này giá 1000 đồng có lấy được không?”. Câu chuyện rất nực cười này đến thời điểm hiện nay đã không còn gây cười được nữa do cước phí điện thoại rẻ đi đáng kể và một cuộc gọi như nêu trên hoàn toàn khả thi do mọi tầng lớp dân cư đều có thể sử dụng DVTTDĐ một cách thoải mái. Điều này thể hiện nhận thức xã hội đã biến chuyển toàn diện cùng với sự phát triển của ngành viễn thông. Tác động xã hội quan trọng khác của DVTTDĐ liên quan tới hành vi có tính chất phản xạ tự nhiên của mỗi cá nhân. Bạn hãy thử gặp bất kỳ người nào ngoài đường và hỏi giờ. Trong phần lớn các trường hợp, thói quen đã thành cố hữu của những người này là rút điện thoại di động ra để xem giờ. Điều này thậm chí còn đúng với cả những người có đeo đồng hồ ở tay nhưng vẫn xem giờ ở điện thoại. Như vậy, nhìn rộng hơn thì DVTTDĐ đã có tác động xã hội làm thay đổi hành vi và thói quen của nhiều người. Chiếc điện thoại di động vô hình chung đã trở thành một công cụ đa năng không thể thiếu mỗi khi ra đường, đóng vai trò của điện thoại, của một chiếc đồng hồ, của máy tính cá nhân, của máy ảnh, máy ghi âm và vô vàn tính năng khác. Xã hội của chúng ta đang biến đổi từng ngày nhờ vào những tính năng này. Ở một góc độ có tính “nhạy cảm” hơn, tác động xã hội của DVTTDĐ cũng dễ dàng được nhìn nhận. Ngành viễn thông đã cung cấp cho xã hội một công cụ kiểm soát cá nhân rất quan trọng với một tính năng mới đáng chú ý - hệ thống định vị toàn cầu GPS. Công nghệ mới khi ứng dụng vào cuộc sống đã có tác động không ngờ: nó giúp “minh bạch hoá” các địa điểm đi, đến của người sử dụng điện thoại để các thành viên trong gia đình có thể kiểm soát được nhau. Trong mọi thời điểm, GPS sẽ giúp cho các bên liên quan luôn có thể xác định “đối tượng cần quan tâm:” của mình đang ở chỗ nào, có thực sự “trong vùng phủ sóng lành mạnh” hay không. Sự phát triển của DVTTDĐ như vậy một mặt giúp giảm thiểu rủi ro của các cá nhân trong quá trình di chuyển, tương tác xã hội, giúp họ không bị lạc đường – xét theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và mặt khác lại có thể gián tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của xã hội. Đến nay, khi các doanh nghiệp tại Việt Nam đang chuẩn bị triển khai hệ thống thông tin di động 3G theo tiêu chuẩn của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thì sẽ hứa hẹn có nhiều biến động hơn nữa. 3G có khả năng đem lại hàng loạt các tiện ích mới, các dịch vụ gia tăng như Mobile TV (truyền hình di động), Video Telephony (điện thoại có hình), Media downloads (tải dữ liệu truyền thông)…vv thì các tác động sẽ còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Các dịch vụ gia tăng này thể hiện kết quả của phát triển công nghệ, của quá trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tham gia. Ngoài những lợi ích kinh tế đem lại thì tác động xã hội của DVTTDĐ trong bước phát triển mới này cũng có sức lan toả rất nhanh và có thể tạo cho con người cách ứng xử rất khác trong các quan hệ tương tác xã hội hàng ngày.
  • Kết luận. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và gắn với đó, ngành viễn thông với mảng thị trường cung cấp DVTTDĐ cũng đang có những bước tiến vượt bậc. Thực tế cho thấy những cái mới sẽ luôn được đón nhận và các dịch vụ viễn thông luôn phát triển mạnh nhờ vào công nghệ mới. Dịch vụ điện thoại cố định đang tăng trưởng chậm do bị DVTTDĐ lấn lướt với nhiều tiện ích mới mà điện thoại cố định không thể có được. Khi đạt tới tỷ lệ sử dụng 80% - 90% dân số, thị trường cung cấp DVTTDĐ có thể sẽ chớm bão hoà và chiếc điện thoại di động từ vị trí ban đầu là một thứ “hàng hiếm” để thể hiện “đẳng cấp” của người sử dụng sẽ trở thành một thiết bị thông thường mà mỗi cá nhân đương nhiên phải có để có thể sống một cách bình thường trong một xã hội thông tin và hội nhập quốc tế. Số lượng người sử dụng DVTTDĐ lớn như vậy thì các tác động xã hội tạo ra là không thể xem nhẹ. Nhìn chung đây là những tác động rất tích cực, góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của mỗi cá nhân. DVTTDĐ đã thực sự trở thành một phương thức hữu hiệu để mỗi cá nhân có thể tiếp cận được tới những nguồn thông tin mới nhất, “nóng” nhất và qua đó nâng cao khả năng tương tác của họ trong một xã hội ngày càng cởi mở hơn, văn minh hơn.
Các tin khác:
Hiện có 1 Khách online
Số lươt truy cập : 134547
Công ty CP Đầu Tư & Phát Triển Dịch Vụ Hạ Tầng Viễn Thông
Địa chỉ: Tầng 2 – Tòa nhà X2 – 70 Nguyên Hồng – Đống Đa – Hà Nội
Email: info@tdis.vn - Tel: 04. 3537 7708 – Fax: 04. 3537 7730
DESIGNED BY HAIDANG MEDIA